0

Local SEO là gì? 11 phương pháp xây dựng local SEO hiệu quả năm 2023

Share

Bạn có biết: Có tới 46% các truy vấn trên Google là để tìm kiếm các thông tin theo địa điểm (Local Information).

Chính vì thế, việc tối ưu tìm kiếm dựa trên địa điểm (Local SEO) là một chiến lược tuyệt vời để doanh nghiệp có thể tiếp cận tới nhiều khách hàng hơn. Hay nói cách khác, bạn có thể ĐANG BỎ LỠ khách hàng tiềm năng ở ngay bên cạnh mình nếu chưa tối ưu tìm kiếm theo địa điểm.

Vậy làm thế nào để tối ưu Local SEO!? Trong 10 phút đọc dưới đây, Ori sẽ cùng bạn đi từ khái niệm, 11 phương pháp xây dựng cho tới 5 công cụ hỗ trợ Local SEO đang được nhiều SEO-ers sử dụng trong ngành. Cùng bắt đầu nhé!

I. Local SEO là gì?

Local SEO là quá trình tối ưu hóa website của doanh nghiệp nhằm tăng khả năng xuất hiện trong các truy vấn tìm kiếm có liên quan tới khu vực / thành phố / quốc gia mà doanh nghiệp đang hiện hữu. Qua đó, doanh nghiệp sẽ cải thiện đáng kể lượng truy cập tự nhiên từ các truy vấn được thực hiện bởi các khách hàng trong khu vực của mình.

Cách mà SEO theo địa điểm hoạt động cũng rất đơn giản. Google sẽ dựa trên vị trí địa lý mà người dùng đang thực hiện truy vấn hoặc dựa trên vị trí địa lý mà người dùng sử dụng trong từ khóa tìm kiếm, kết hợp với Google Maps để đưa ra kết quả cho người dùng.

Các truy vấn này thường có công thức là: sản phẩm + vị trí địa lý

Ví dụ: Địa chỉ mua iphone uy tín tại hà nội, hoa lụa hà nội,…

Qua đó, những doanh nghiệp có nhiều lượt đánh giá tốt, nhiều review sẽ được Google ưu tiên giới thiệu tới người dùng theo dạng danh sách, bao gồm cả các thông tin cụ thể như địa chỉ, số điện thoại, thời gian mở cửa…

Vậy Local SEO mang lại lợi ích gì?

Không giống như SEO website thông thường, Local SEO nếu được làm bài bản sẽ nhanh chóng có được thứ hạng tốt trên bảng kết quả tìm kiếm của Google, qua đó giúp doanh nghiệp:

1. Cải thiện thứ hạng của Website

Lượng truy cập cao hơn cũng đồng nghĩa với việc nội dung trên website của bạn sẽ có cơ hội tiếp cận với người dùng cao hơn. Qua đó nhanh chóng cải thiện được thứ hạng website. Tất nhiên nó sẽ “phản tác dụng” nếu nội dung của bạn không thực sự chất lượng.

2. Tăng tỷ lệ chuyển đổi

Nhiều lượng truy cập hơn cũng đồng nghĩa với việc sản phẩm được tiếp cận với nhiều người hơn, từ đó lượng chuyển đổi cũng cao hơn.

Một lý do khác là các truy vấn tìm kiếm dạng này thường có chất lượng cao hơn do người dùng đã có sẵn nhu cầu và đang tìm kiếm giải pháp gần họ nhất. Do đó, việc đứng top tìm kiếm của local SEO sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới quyết định mua hàng của họ, đặc biệt là với những sản phẩm có thời gian ra quyết định ngắn (thực phẩm, dịch vụ giải trí…)

3. Tăng nhận biết thương hiệu

Việc xuất hiện thường xuyên trong truy vấn của cả một khu vực / địa điểm lớn sẽ giúp doanh nghiệp được nhận biết nhiều hơn với những khách hàng đang sống và làm việc tại địa điểm đó, qua đó gián tiếp tăng khả năng nhận diện thương hiệu.

4. Hiệu quả nhanh với chi phí đầu tư thấp

Local SEO không hề phức tạp, chỉ yêu cầu một nguồn tài nguyên khá nhỏ nhưng ROI của phương pháp này lại rất cao. Nguyên nhân đến từ việc tối ưu không yêu cầu nhiều thời gian, nhân lực, khách hàng có tỉ lệ mua hàng cao do đã có sẵn nhu cầu, giúp doanh nghiệp khoanh vùng những nơi khách hàng xuất hiện… và rất nhiều lợi ích khác cho hoạt động tiếp thị.

5. Tăng mức độ tin tưởng (Domain Authority) của website

Việc có số lượng truy cập ổn định cũng giúp nâng cao danh tiếng cho Website, thông báo cho Google rằng doanh nghiệp của bạn đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của khách hàng thông qua:

  • Tần suất xuất hiện cũng như được click bởi người dùng
  • Nhận xét, đánh giá của khách hàng

Qua đó, không chỉ riêng chỉ số DA mà việc tối ưu Local SEO cũng sẽ giúp doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc tiến hành SEO tổng thể cho website của mình.

II. 11 phương pháp xây dựng local SEO hiệu quả năm 2023 

1. Tối ưu tài khoản Google My Business

Google My Business đã và đang là cách tốt nhất để bắt đầu cũng như tối ưu cho local SEO. Bởi Google thường xuyên hỗ trợ, xác minh và chia sẻ nội dung của mình một cách rộng rãi.

Do đó việc điền đầy đủ thông tin của mình một cách chính xác trên nền tảng này sẽ giúp Google dễ dàng hơn trong việc thực hiện 3 bước trên, qua đó giúp doanh nghiệp của bạn đáp ứng được các nhu cầu của Google.

Nhằm đảm bảo website của mình đã tối ưu cho Google My Business, bạn cần:

  • Tạo và xác minh trang Google My Business của website
  • Sử dụng Google Photos bằng tài khoản của doanh nghiệp
  • Khuyến khích khách hàng để lại review về doanh nghiệp
  • Trả lời các nhận xét / reviews từ khách hàng nhằm xác thực chúng. Nếu như doanh nghiệp của bạn có nhiều địa điểm, hãy đảm bảo bạn đã bao gồm các vị trí đó trong câu trả lời của mình.

Ví dụ: Cảm ơn bạn đã dùng bữa tại nhà hàng 67 cơ sở Lê Văn Thiêm của chúng tôi. Rất mong được đón tiếp bạn và gia đình trở lại vào một dịp không xa.

Nếu Google đã xác thực được rằng doanh nghiệp của bạn là thật, bạn, rất có thể, sẽ được “thưởng” một vị trí nằm trong thanh vị trí kết quả tìm kiếm (Local Search Result) ở góc bên trái, nơi mà tất cả các doanh nghiệp đều thèm muốn.

Đây là điều bạn NÊN LÀM, không chỉ bởi nó tác động lớn tới thứ hạng local SEO của website mà nó còn giúp khách hàng dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm và trải nghiệm dịch vụ của bạn.

2. Xây dựng và chia sẻ nội dung trên Google My Business

Với việc Google đang ngày càng coi trọng các nội dung được chia sẻ trên các mạng xã hội, sau khi bạn đã kỳ công hoàn thiện Google My Business của mình, hãy chia sẻ nó trên các mạng xã hội, khuyến khích người dùng tới và để lại cảm nhận của họ. Điều này sẽ giúp quá trình local SEO của bạn tăng tốc một cách bất ngờ đấy.

3. Đảm bảo đồng bộ các thông tin về tên, địa chỉ và số điện thoại

Bạn PHẢI khiến việc tìm kiếm doanh nghiệp của mình trở nên thật dễ dàng cho khách hàng, trong đó có 3 yếu tố quan trọng nhất được gọi là tam giác NAP (Name – Tên, Address – Địa chỉ, Phone – Số điện thoại).

NAP của bạn phải là văn bản HTML có thể thu thập dữ liệu để Google có thể hiển thị nó tốt hơn theo kết quả tìm kiếm dựa trên vị trí. Đừng sử dụng một tấm ảnh để thay thế phần thông tin bởi nó sẽ khiến Google không thể thu thập dữ liệu, từ đó không hiển thị bất cứ thông tin nào về doanh nghiệp.

Vị trí phổ biến nhất cho NAP là ở chân trang (footer) hoặc đầu trang (header) của website. Ngoài ra, bạn cũng nên đưa NAP của mình vào trang “Contact us” (Liên hệ với chúng tôi).

4. Tiến hành đánh giá lại các hoạt động Local SEO 

Đừng vội nhấn phanh khi bạn đã nắm vững các nguyên tắc cơ bản, vì quá trình tối ưu chưa dừng lại ở đó. Bởi SEO là một quá trình liên tục cập nhật và thay đổi, việc thường xuyên kiểm tra, đánh giá lại website sẽ giúp thứ hạng bạn có được trở nên bền vững và khó lung lay hơn. Các hạng mục bạn nên thường xuyên “bảo dưỡng” bao gồm:

  • Kiểm tra tính chính xác của các thông tin về doanh nghiệp trong My Google Business khi chúng xuất hiện trên kết quả tìm kiếm.
  • Kiểm tra Google Search Console xem khả năng thu thập dữ liệu của website có đang tốt không, có bất kỳ yếu tố gì đang cản trở hoặc làm chậm tiến trình này không.
  • Kiểm tra On-Page/các chỉ số về Website, đảm bảo chúng vẫn đang hoạt động bình thường và ngay lập tức có hành động nếu có chỉ số nào đó tăng/giảm bất thường.
  • Kiểm tra trích dẫn trên các hạng mục chính của website (giới thiệu/sản phẩm/blog…) nhằm đảm bảo chúng chính xác và đồng nhất.
  • Phân tích đối thủ cạnh tranh: So sánh vị trí giữa bạn và các đối thủ cạnh tranh, họ đang làm điều gì tốt hơn và doanh nghiệp có thể làm gì để san lấp hoặc gia tăng khoảng cách đó!?

5. Cải thiện cấu trúc liên kết nội bộ 

Mặc dù các liên kết bên ngoài mới là yếu tố quan trọng quyết định thứ hạng website thì việc có một hệ thống liên kết nội bộ tốt cũng có thể tăng thứ hạng SEO cho website của bạn. Tại sao ư? Bởi:

  • Nó hỗ trợ điều hướng khách hàng trên trang
  • Nó hỗ trợ xây dựng hệ thống thông tin một cách xuyên suốt với hệ thống phân cấp
  • Phân hạng và đo đạc thứ hạng giữa các trang con. Nhờ đó, giúp bạn cải thiện những trang còn yếu.

6. Tối ưu hóa từ khóa địa lý (Geographic search phrase)

Giống như mỗi ngày mới là một cơ hội mới, mỗi bài đăng trên trang là một cơ hội để website của bạn được tìm thấy trên trang kết quả tìm kiếm của Google. Bên cạnh việc tối ưu hóa URL, thẻ tiêu đề, mô tả meta hay nội dung như phương pháp SEO thông thường khi viết nội dung thì việc thêm vào các từ khóa mang tính địa lý cũng đóng một vai trò rất quan trọng (bởi chúng ta đang nói về Local SEO mà).

Nếu bạn cảm thấy quá khó để “nhét” các từ kháo một cách hợp lý, hãy cân nhắc thêm vào các câu chuyện, case study điển hình từ khách hàng, qua đó giúp nội dung trở nên mượt mà hơn mà vẫn đảm bảo số lượng từ khóa trong bài viết.

Mẹo nhỏ: Bạn càng thêm nhiều nội dung cụ thể, bạn càng có nhiều cơ hội gắn các từ khóa liên quan tới “địa điểm gần tôi” vào bài viết, mẹo này đặc biệt hữu ích với các doanh nghiệp có nhiều địa chỉ khác nhau.

7. Thêm tất cả các trang & vị trí các cửa hàng vào website

Nếu bạn có nhiều hơn một địa chỉ, hay tạo một trang con theo dạng “hệ thống cơ sở/chi nhánh”. Các trang này sẽ cung cấp cho người đọc tên, địa chỉ, số điện thoại, giờ mở cửa, mô tả cửa hàng, thậm chí là cả thông tin về bãi đậu xe, khuyến mãi và feedback của khách hàng với từng cơ sở.

Tuy những thông tin này có thể giống nhau, đừng sao chép 100% giữa các địa điểm với nhau.

8. Xây dựng nội dung hướng tới khách hàng địa phương (Local content)

Với việc Google giờ đây đã trở nên “thông minh” hơn với công nghệ máy học và AI, bạn không còn phải nhồi nhét các nội dung mang tính rập khuôn để có thể cạnh tranh cho chức vô địch nữa. Nhờ đó, doanh nghiệp sẽ có nhiều nguồn lực cũng như thời gian hơn để tối ưu các dạng nội dung khác. Trong đó các bài viết theo dạng tin tức hoặc giới thiệu về địa điểm/địa phương là một cách rất tốt để tối ưu nội dung cho local SEO.

Hãy tạm bỏ sản phẩm sang một bên và tiến hành tìm hiểu xem các từ khóa nào thường xuyên được tìm kiếm tại địa phương, từ đó đưa ra các nội dung phù hợp nhằm thu hút lượng truy cập này tới trang web của bạn.

Ví dụ như bạn đang ở Hoàn Kiếm, Hà Nội. Vậy thì các từ khóa thường được tìm kiếm có thể sẽ là món ngon quận hoàn kiếm, homestay hoàn kiếm, cho thuê xe máy hoàn kiếm hay thậm chí là tin tức mới hoàn kiếm, các lễ hội truyền thống ở quận hoàn kiếm…

Hãy cố gắng ưu tiên các chủ đề liên quan trước, sau đó mở rộng dần ra các chủ đề chung. Ví dụ nếu bạn kinh doanh thực phẩm thì hãy hướng tới các từ khóa về ẩm thực => du lịch => văn hóa…

9. Website thân thiện với các thiết bị di động

Có tới 61% các tìm kiếm theo dạng local search (tìm kiếm địa phương) được thực hiện thông qua điện thoại di động.

Một số dạng bài viết phổ biến mà người dùng thường xuyên truy cập thông qua website thường là các địa điểm trong khu vực gần họ, các bài đánh giá, chỉ đường và tìm kiếm thông tin liên hệ của doanh nghiệp.

Thông qua việc tối ưu hiển thị (cả về visual lẫn UX/UI) sẽ giúp khách hàng cảm thấy thoải mái và thích thú khi trải nghiệm, qua đó giúp họ nhớ tới thương hiệu lâu hơn giữa cả biển website mà họ “đắm mình” mỗi ngày.

10.Gắn các Inbound link có độ tin cậy cao và phù hợp với nội dung

Inbound link hay còn được biết tới với cái tên thân thuộc hơn là “backlink” là một dạng liên kết trỏ từ trang web khác về trang web của bạn. Đây là một trong những yếu tố hàng đầu để Google đánh giá thứ hạng trang web của bạn.

Liên kết Inbound là một cơ hội hấp dẫn để bạn có thể tối ưu local SEO. Bởi mọi liên kết hợp lệ đều có thể giúp bạn nâng cao thẩm quyền cho tên miền (Domain Authority), từ đó tăng mức độ uy tín của bạn với Google. Dưới đây là một số cách phổ biến để bạn có thể có được hệ thống inbound link chất lượng:

  • Tài trợ hoặc hợp tác
  • Bài đăng trên blog của khách hàng
  • Học bổng
  • Qua các mối quan hệ (Networking) hoặc cộng đồng chia sẻ (Group)

Ngoài ra, bạn cũng có thể xem xét việc trở thành một ký giả (blogger) thông qua việc tích cực đưa ra các thông tin giá trị tới cho cộng đồng (Ví dụ như những bài viết về Marketing miễn phí mà Ori đang gửi tới bạn ngay lúc này). Thông qua việc tích cực chia sẻ cũng như tham gia vào các hoạt động cộng đồng, bạn sẽ được nhắc tới ở nhiều nơi, bao gồm cả website, diễn đàn, mạng xã hội… Qua đó tăng mức độ phủ sóng của mình trên truyền thông, đồng thời mang về hệ thống liên kết inbound chất lượng.

11. Tham gia và các hoạt động địa phương 

Hợp tác với một tổ chức phi lợi nhuận để trao học bổng, tham gia các hoạt động tuyên truyền bảo vệ môi trường, tổ chức ngày hội thể thao nhằm nâng cao sức khỏe địa phương… việc tham gia vào các hoạt động địa phương như trên sẽ giúp doanh nghiệp của bạn xuất hiện trên nhiều mặt báo, website và các phương tiện truyền thông địa phương. Qua đó mang về lưu lượng truy cập, nâng cao tính thẩm quyền và xây dựng được hệ thống backlinks chất lượng.

III. Một vài công cụ hỗ trợ Local SEO hiệu quả 

1. Whitespark Local Citation Finder

Trích dẫn địa phương (Local Citation) bao gồm tất cả những đề cập trực tuyến (online mention) về tên, địa chỉ và số điện thoại của doanh nghiệp tại địa phương.

Whitespark cung cấp tính năng quản lý danh sách trích dẫn địa phương, đề xuất nơi bạn nên liệt kê doanh nghiệp của mình, kiểm tra sự cạnh tranh đồng thời xây dựng và theo dõi sự phát triển trích dẫn của bạn. Qua đó bạn không chỉ theo dõi được tiến trình local SEO của doanh nghiệp mà còn có thể theo dõi, phân tích đối thủ nhằm tìm ra cơ hội nâng cao thứ hạng tìm kiếm địa phương tốt hơn.

Giá:

  • Dành cho doanh nghiệp nhỏ: 25 USD/ tháng
  • Dành cho chuyên gia: 50 USD/tháng
  • Dành cho Agency: 100 USD/tháng
  • Dành cho tập đoàn: 200 USD/tháng

2. Screaming Frog

Công cụ này thu thập dữ liệu từ các nguồn như liên kết, hình ảnh, CSS, tệp lệnh và ứng dụng của trang web chỉ với một nút nhấn. Qua đó, không chỉ giúp bạn giải quyết các vấn đề on-page như link die (404), tốc độ tải trang chậm… nó còn hỗ trợ phân tích cả những vấn đề liên quan tới nội dung như thiếu mô tả meta, thiếu thẻ H1…

Screaming Frog có khả năng phân tích tới tối đa 500 URL miễn phí và không giới hạn trong phiên bản trả phí.

Giá: Bao gồm phiên bản miễn phí (Free Version) và phiên bản trả phí (Paid Version)

3. Moz Local

Với mức giá được đánh giá là hợp lý hơn khá nhiều công cụ trong cùng phân khúc, Moz Local sẽ giúp doanh nghiệp đảm bảo doanh nghiệp của bạn đã được xác thực bởi Google và Facebook, đồng thời phân phối chúng tới hệ sinh thái tìm kiếm.

Ngoài ra công cụ này còn hợp tác với các công cụ tổng hợp dữ liệu khác nhằm đảm bảo các danh sách về thông tin doanh nghiệp của bạn được hiển thị một cách chính xác trên kết quả tìm kiếm.

Giá:

  • Bản Lite: 14 USD/tháng
  • Bản Preferred: 20 USD/tháng
  • Bản Elite: 33 USD/tháng

4. Ahrefs

Đây là công cụ kiểm soát backlink vô cùng phổ biến của những người làm SEO. Đồng thời, Ahrefs cũng cung cấp phân tích về đối thủ cạnh tranh, hỗ trợ nghiên cứu từ khóa và thông tin chi tiết về anchor text của các trang web khác khi đặt liên kết ngược (backlink) đến trang web của bạn.

Giá:

  • Bản Lite: 99 USD/tháng
  • Bản Standard: 199 USD/tháng
  • Bản Advanced: 399 USD/tháng
  • Bản Enterprise: 999 USD/tháng

5. Buzzstream

BuzzStream hỗ trợ doanh nghiệm thu thập các liên kết ngược tại địa phương (local backlink) , giúp bạn xác định và xây dựng mối quan hệ với những người có ảnh hưởng tại địa phương bằng cách nghiên cứu những Influencers nổi tiếng, theo dõi các cuộc trò chuyện và cung cấp báo cáo thông tin chuyên sâu về các chiến dịch tiếp cận cộng đồng, hiệu suất chiến dịch và vị trí liên kết của bạn.

Giá:

  • Gói Starter: 24 USD/tháng
  • Gói Growth: 124 USD/tháng
  • Gói Professional: 299 USD/tháng
  • Gói Custom: 999 USD/tháng

6. BrightLocal

BrightLocal là bộ công cụ SEO toàn diện được xây dựng chuyên dụng cho nhu cầu tiếp thị của doanh nghiệp địa phương.

Công cụ này có thể giúp bạn tạo và theo dõi các bài đánh giá trên các trang web địa phương, đánh giá hiệu suất tìm kiếm địa phương của bạn và phân tích các đối thủ cạnh tranh lân cận.

BrightLocal cũng cung cấp quyền truy cập cho khách hàng của bạn, đồng thời đưa ra các báo cáo được phân loại riêng — điều này khiến công cụ trở nên đặc biệt phù hợp cho các Agency hoặc thương hiệu có nhiều nhãn hàng con.

SEO theo địa phương hay Local SEO là một phần không thể thiếu trong một chiến dịch SEO tổng thể. Local SEO sẽ giúp khán giả cũng như khách hàng tìm thấy cửa hàng hoặc dịch vụ của bạn khi họ tìm kiếm trực tuyến.

Nguồn biên tập: Ori Marketing Agency